Cập nhật thông tin chi tiết về Khởi Nghiệp Từ Thú Chơi Gà Cảnh mới nhất trên website Ruybangxanh.org. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
(BGĐT) – Đang có công việc ổn định ở Nhật Bản với mức thu nhập đáng mơ ước với nhiều người, một chàng trai đã mạnh dạn trở về quê lập nghiệp. Đầu tư cả tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi gà cảnh, chỉ trong thời gian ngắn, những cặp gà có giá từ vài triệu đến gần trăm triệu đồng đã bắt đầu mang lại “thương hiệu” cho ông chủ trẻ.
Mạc Hồng Ba ( bên phải) giới thiệu gà cảnh với khách tham quan.
Lập nghiệp từ thú chơi
Chàng trai đó là Mạc Hồng Ba (SN 1986). Dù là “trai phố” vì gia đình có cửa hàng buôn bán khá lớn ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) nhưng Ba rất thích cuộc sống thôn quê. Ban đầu, Ba nuôi gà ta, gà chọi, dần dà tìm hiểu và được biết có những giống gà quý, đặc trưng của Việt Nam.
Sau vài năm thử sức với nhiều nghề, trong đó có cả chuyên ngành xây dựng được đào tạo chính quy nhưng mong muốn lập nghiệp luôn thôi thúc nên năm 2013, Ba sang Nhật Bản làm thực tập sinh kết hợp lao động. Tình cờ, chàng trai này biết phong trào chơi gà cảnh ở nước bạn rất phổ biến, thu hút đông người dân xứ sở “Mặt trời mọc” tham gia. Có những con gà ở đây lập kỷ lục thế giới với bộ lông đuôi dài gần 14 mét! Cộng đồng những người chơi gà cảnh ở Nhật Bản còn kết nối với những người cùng sở thích trên toàn thế giới nên họ có cơ hội trao đổi, mua bán gà, từ đó hình thành nên thị trường đầy tiềm năng. Được giao lưu, hòa mình vào xu hướng đó, Mạc Hồng Ba lóe lên suy nghĩ, ở Việt Nam cũng có rất nhiều giống gà đẹp, điều kiện nuôi dưỡng không đòi hỏi quá khắt khe, vậy tại sao không về quê “chăn gà” nhỉ?
Vậy là sau hơn hai năm ở Nhật với cuộc sống ổn định, thu nhập tính ra tiền Việt lên đến hàng chục triệu đồng/tháng, Ba khăn gói về quê với những dự định mới. Anh chọn khu vực vườn đồi của ông bà nội ở thôn Đồng Tâm, xã Tân Hiệp (Yên Thế) vì ở đây hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi như diện tích rộng, thoáng đãng, không khí trong lành, có đồi, vườn cây, ao trữ nước… Bằng số vốn tích lũy trước đó và huy động trong gia đình, người thân, Ba bắt tay vào san gạt, cải tạo khu vực xây dựng chuồng trại. Sau bao công sức, khu chuồng rộng hơn 380m2 nằm giữa dãy đồi trồng bạt ngàn cây ăn quả với gần 30 ô nuôi nhốt và sân chơi, tiểu cảnh, mái che kiên cố, bể nước mát cho gà… có tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng đã hình thành.
Ngày khai trương trang trại, bạn bè cùng sở thích trong tỉnh và từ Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Nguyên, Lạng Sơn… đều tề tựu đông đủ. Những “tay chơi” có tiếng sau khi tham quan trang trại sạch sẽ, khang trang như khu du lịch sinh thái đều có chung nhận xét – “Đây là một trong những trại gà cảnh đẹp và lớn nhất miền Bắc hiện nay”.
Ấp ủ thương hiệu riêng
Giống gà Mạc Hồng Ba chọn để nuôi chủ yếu là gà Tân Châu với vài chục con gà mái được tuyển chọn khắt khe. Cùng đó là những con gà trống có giá trị hàng triệu đồng được Ba cất công đi săn lùng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tân Châu là giống gà bản địa của Việt Nam có xuất xứ từ vùng Tân Châu (An Giang), được giới chơi gà cảnh đặc biệt yêu thích.
Ba cho biết, với kinh nghiệm của anh thì gà Tân Châu vóc dáng gần giống gà rừng nhưng nhỏ, thấp hơn. Trọng lượng tối đa khoảng 800 – 900 gam với con trống, 700 – 800 gam với gà mái. Gà có ngoại hình đẹp mắt, chân ngắn, lông mượt với màu đặc trưng là “màu khét”, ngoài ra nhiều người còn thích gà có “màu chuối”, “màu nhạn”. Gà chọn làm cảnh thường là gà trống bởi hình dáng oai vệ, màu lông tươi sáng, không lẫn với bất cứ giống gà nào khác. Riêng bộ cánh phải dài phủ chấm chân, đuôi dài, dày và cong chênh chếch. Lông bờm phủ lên phần trên lưng tiếp giáp sát đuôi mới được gọi là đẹp.
Con gà cảnh đuôi dài của Mạc Hồng Ba.
Ngoài gà Tân Châu, anh còn nuôi thử nghiệm các giống gà của Nhật Bản, Đức như gà Phoenix (gà Phượng Hoàng), gà Onagadori, gà Ohiki… Cặp gà có giá cao nhất ở trang trại của Ba lên đến 85 triệu đồng, con gà trống có bộ lông đuôi dài hơn 1 mét. Vì đuôi quá dài nên chuồng cho giống gà này cũng có thiết kế đặc biệt, dưới là lớp cát sạch, có chỗ đậu trên cao, nuôi riêng từng cặp, nếu không lông đuôi sẽ rụng, mất đi vẻ đẹp đặc trưng. Sở dĩ Ba chọn một số giống gà này vì có nhiều đặc điểm tương đồng với gà Tân Châu, gà tre của Việt Nam nhưng ưu điểm nổi trội là bộ lông đẹp hơn, đuôi dài và có số lượng lông đuôi nhiều hơn. Nếu có thể lai ghép sẽ tạo ra những con gà có hình dáng độc đáo, mang lại giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao hơn nhiều lần.
Để có những con gà đẹp, ngoài chọn giống, việc chăm sóc cực kỳ quan trọng. Ba cho hay, chế độ ăn của gà Tân Châu phải luôn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng. Ngoài cám, rau xanh… gà được bổ sung thêm các loại vitamin, chất đạm và cho tắm nắng, cát thường xuyên để có bộ lông luôn óng mượt, rực rỡ. Đặc biệt, chuồng trại, lồng nuôi nhốt, đồ dùng cho gà ăn uống đều phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm bệnh.
Ba chia sẻ, hiện nay thị trường gà cảnh có nhu cầu lớn. Ngoài các câu lạc bộ, hội hoặc cá nhân trong nước có niềm đam mê mãnh liệt với gà cảnh thì trên thế giới, thú chơi này đã trở nên phổ biến, thu hút đông đảo thành viên. Bước đầu, anh đã trao đổi, mua bán gà Tân Châu với các bạn hàng ở Mỹ, Đức, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… Sắp tới, anh dự định tiếp tục liên hệ chặt chẽ với những người có nhiều kinh nghiệm và chủ những mô hình nuôi gà cảnh lớn trên khắp ba miền; đầu tư, mở rộng quy mô, xây dựng trang trại mang tên “Kê kiểng Bắc Giang” hiện có trở thành “thương hiệu” mạnh trong giới chơi gà. Tuy nhiên, mục tiêu của ông chủ trẻ có nhiều hoài bão này không phải là kinh doanh, cái đích lớn hơn mà Mạc Hồng Ba hướng đến là làm sao góp sức xây dựng và phát triển phong trào trên địa bàn tỉnh, đưa Bắc Giang trở thành điểm nhấn quan trọng trên “bản đồ” sinh vật cảnh của cả nước.
Nói về những bước đi để thực hiện “giấc mơ” này, Mạc Hồng Ba chia sẻ: “Sau chuyến đi miền Nam để gặp gỡ, trao đổi và tiếp tục sưu tầm những cá thể quý, tôi càng có quyết tâm để biến lời hứa với anh em trong câu lạc bộ thành hiện thực. Bằng kinh nghiệm nhiều năm, tâm huyết cùng sự đoàn kết của những người có cùng đam mê, tôi tin rằng phong trào nuôi, chơi gà nói riêng và sinh vật cảnh nói chung ở Bắc Giang sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Đó sẽ là nét đẹp văn hóa đối với không ít người, thậm chí là cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Trước mắt, chúng tôi đang nỗ lực để tổ chức một cuộc thi dành cho những người nuôi và thích gà cảnh ở các tỉnh, thành phố trong năm 2017 ngay tại Bắc Giang”.
Khởi Nghiệp Từ Trang Trại Gà
(GLO)- Trên nền diện tích 6.000 m2 đất nông nghiệp hoang hóa sau sự cố hồ tiêu chết hàng loạt, đôi vợ chồng trẻ Tô Hồng Hoàng và Nguyễn Thị Thúy Hằng đã tự tin vào chuyên môn được đào tạo để mở trang trại nuôi gà, bước đầu đem lại thu nhập ổn định.
Nói về quyết định mở trang trại chăn nuôi gà Hoàng Hằng (thôn Ia Rôk, xã Chư Hdrông, TP. Pleiku), anh Tô Hồng Hoàng (SN 1993) cho biết: Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Chăn nuôi, anh có gần 2 năm làm việc cho vài trang trại chăn nuôi heo, gà cỡ lớn ở tỉnh Đồng Nai. “Lận lưng” kinh nghiệm tổ chức chăn nuôi quy mô trang trại, lại thêm lợi thế có vợ là bác sĩ thú y, đầu năm 2018, anh thí điểm nuôi gà ta thả vườn với quy mô 500 con/lứa trên đất vườn trồng cây ăn quả lưu niên của gia đình ở xã Ia Púch, huyện Chư Prông. Đầu năm 2019, để thuận tiện hơn, vợ chồng anh quyết định chuyển cơ sở chăn nuôi về địa điểm hiện tại và thành lập trang trại chăn nuôi gà Hoàng Hằng.
Anh Hoàng bên đàn gà con trong thời gian nuôi ủ. Ảnh: Đ.P
Trên diện tích đất rộng mênh mông, nghiêng thoải về thung lũng ruộng lúa nước dưới chân núi Hàm Rồng là 4 gian chuồng mái lợp tôn, tường gạch xây cao nửa mét, rào chắn lưới kẽm mắt cáo cỡ lớn (có tổng diện tích gần 850 m2) nằm cách nhau chừng dăm ba mươi mét. Anh Hoàng cho biết, mỗi chuồng có khoảng 1.000 con gà ta lai chọi nhập từ miền Bắc, nuôi gối đầu cách nhau 1 tháng. Giống gà này có ưu điểm kháng bệnh dịch tốt, lại hay ăn, chóng lớn, sau 4 tháng trọng lượng trung bình đạt 1,8-2 kg/con. Anh cho biết, cơ sở vừa xuất chuồng 1.000 con gà, giá thương lái mua tại chuồng là 75.000 đồng/kg. Với những con gà có thời gian nuôi lâu hơn, cho chất lượng thịt tốt hơn thì giá bán cũng tăng theo, dao động từ 85.000 đồng đến 90.000 đồng/kg.
Anh Hoàng cho biết: “Gà ta là cách gọi chung cho phần lớn giống gà thuần Việt. Về cách nuôi, từ tháng thứ 2 đàn gà được thả rông chừng 4 giờ/ngày để tự bới tìm nguồn dinh dưỡng, nhất là khoáng chất có trong tự nhiên. Nguồn thực phẩm bổ sung gồm cám gạo, bắp, đậu nành được trộn lẫn với cám đậm đặc mua từ công ty theo tỷ lệ nhất định dành cho từng độ tuổi của gà, cùng với đó là rau xanh… giúp chất lượng thịt ngọt thơm, dai giòn, hợp khẩu vị phần lớn người tiêu dùng”.
Hỏi về thu nhập, dừng tay châm trà mời khách, chị Hằng tâm tình: “Nhờ nền đất bố mẹ cho; thuốc men, kỹ thuật và cả công chăm sóc vợ chồng tự làm lấy; vốn đầu tư ban đầu được gia đình hỗ trợ… với cách nuôi gối đầu lứa cách lứa 1 tháng, trang trại có gà xuất liên tục. Theo giá hiện nay, mỗi tháng cơ sở lãi ròng trên 20 triệu đồng”.
Về dự định dài hơi, vợ chồng trí thức trẻ tiết lộ: “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng gian chuồng diện tích 500 m2 nuôi gà lấy trứng. Lấy ngắn nuôi dài, trong nay mai sẽ tiến hành trồng chuối lá (chuối hột) cung cấp thức ăn xanh giàu chất xơ cho gà. Đồng thời, chúng tôi sẽ nghiên cứu trồng một số loại cây ăn quả “ít đụng hàng” vừa tạo cảnh quan, bóng râm, chắn gió, vừa cho thu nhập bền vững”.
Chơi Gà Cảnh, Thú Vui Tao Nhã
Hội thi “Nét đẹp gà cảnh Tân Châu miền Trung” lần thứ I -2018. Ảnh: K.K.S
Giúp tâm hồn thư thái
Theo những người chơi gà cảnh, chuyện nuôi những chú gà đẹp thuộc về tập quán và văn hóa, xuất phát từ sự gần gũi và đam mê có từ tuổi thơ của nhiều người ở vùng nông thôn. Riêng với những người gốc thành thị thì việc chơi gà cảnh giúp họ khám phá những điều thú vị trong cuộc sống. Chính vì thế, vào năm 2017, Câu lạc bộ (CLB) Gà cảnh tỉnh Quảng Trị ra đời với hơn 20 hội viên cùng tham gia học hỏi và đúc rút kinh nghiệm để nhân giống, lai tạo những chú gà cảnh đẹp nhất.
Hiện nay con gà cảnh Tân Châu, một giống gà tre cảnh được xếp vào loại đẹp nhất trong những giống gà cảnh thế giới, là niềm tự hào của người dân tỉnh An Giang nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Có thời điểm giống gà này tưởng chừng tuyệt chủng vì không được quan tâm, bảo tồn và bị lai tạo với nhiều giống gà như: gà kiến, gà rừng và gà chọi theo thói quen thả vườn của người dân. Để giữ gìn giống gà đẹp thuần chủng này, nhiều người đã đi sưu tầm những con gà đặc chủng còn sót lại trong nhiều gia đình ở nông thôn, nuôi riêng và cho ra đời những chú gà đẹp như hiện nay.
Ông Bùi Mạnh Dũng, một người đam mê sinh vật cảnh tại Đông Hà đã vào tận An Giang để mua những chú gà đẹp về nuôi. Sau hơn một năm nghiên cứu, học hỏi, ông đã xây dựng được một trang trại gà tre Tân Châu với quy mô lớn với hàng trăm chú gà cảnh đủ màu sắc. Hiện nay, trại gà của ông là một trong những trại gà lớn nhất nước. Ông Dũng chia sẻ: “Ngoài tình yêu với gà cảnh thì người nuôi chúng phải thực sự có tâm. Quá trình nuôi, chăm sóc những chú gà của mình cũng như lai tạo, cho ra đời nhiều chú gà với màu sắc đa dạng là khá dày công. Sau những giờ làm việc, bản thân tôi tranh thủ thời gian nghỉ trưa, buổi tối để tự chăm sóc, cho gà ăn đầy đủ dinh dưỡng, tập cho chúng gần gũi với người và luyện đi đứng theo đúng ý của chủ. Những chú gà cảnh đẹp với đủ màu sắc và bộ lông mượt mà, dáng đi uyển chuyển như những vũ công điêu luyện, đặc biệt khi chúng cất tiếng gáy sẽ làm người nghe say mê lạ thường. Chơi gà cảnh giúp tôi giảm bớt rất nhiều stress, tạo cho tâm hồn thư thái hơn, có thêm động lực để hoàn thành các công việc ở đơn vị”.
Ông Dũng được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB Gà cảnh tỉnh Quảng Trị. Trong nhiều cuộc thi “Nét đẹp gà cảnh Tân Châu” trên cả nước, ông cũng như các thành viên trong câu lạc bộ, những người yêu gà trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia và giành được nhiều giải thưởng lớn. Riêng ông đoạt các giải như: giải ba gà mùa, topten gà tơ tại cuộc thi “Nét đẹp gà cảnh Tân Châu” Thái Nguyên mở rộng, giải 3 tại Bình Dương. Tại hội thi “Nét đẹp gà cảnh Tân Châu miền Trung” lần thứ I – 2018 diễn ra tại Quảng Trị vào tháng 3 vừa qua, ông đã giành giải nhất hết sức thuyết phục với chú gà Tân Châu màu chuối trắng. Ông Dũng cho biết thêm, thời gian tới, Câu lạc bộ Gà cảnh Quảng Trị sẽ tổ chức và tham gia thêm các cuộc thi về gà cảnh để nhiều người biết đến giống gà đẹp này.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, chăm sóc, lai tạo gà cảnh, anh Nguyễn Thiện Thành, ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa – người đam mê chơi gà cảnh gần 10 năm nay – cho biết: “Gà Tân Châu có bộ lông dày, phồng nên thoạt nhìn mọi người sẽ nghĩ gà rất nặng. Tuy nhiên, với gà Tân Châu tiêu chuẩn khi trưởng thành thì gà trống nặng khoảng 1,2 kg, gà mái nặng khoảng 0.6kg. Đặc điểm nổi bật nhất của gà Tân Châu trống đó chính là bộ lông mịn màng, bóng, che kín toàn thân. Phần lông cổ của gà mềm, mịn, dày, dài che kín từ dưới tai xuống đến giữa lưng của gà; lông đuôi của gà nhiều, phân bố thành nhiều lớp, bản lông khá rộng, lông đuôi phía trên dài cong xuống mặt đất, lông đuôi cao không quá đầu. Hiện nay, gà Tân Châu có nhiều màu bắt mắt như: khét, chuối, nhạn, điều, chuối lửa, khét sữa, cú… Có thể nói, bộ lông cổ là đặc điểm nổi bật nhất của gà Tân Châu. Không chỉ dừng lại ở giống gà cảnh bản địa này, anh Trương Tuấn Thành ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà cũng sưu tập được rất nhiều giống gà cảnh đẹp, quý như: gà Đông Tảo, Tre Bắc, Tre Thái Lan, Serama – một giống gà nhỏ nhất thế giới có nguồn gốc từ Malaysia, gà Quý Phi có nguồn gốc từ Anh và gà Fonix của Nhật Bản. Anh còn có ý định sưu tầm thật nhiều giống gà đẹp để giới thiệu đến đông đảo bạn bè như: gà Mặt quỷ của Indonexia; gà Brahama, giống gà khổng lồ của Mỹ và Trung Quốc…
Không dung nạp trò đỏ đen
Nếu như những người nuôi gà chọi thường tụ tập nhau để tổ chức đá gà và ẩn sau đó là những trò đỏ đen thì những người tham gia vào CLB Gà cảnh Quảng Trị lại khác. Mỗi tháng, CLB tổ chức họp mặt vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật đầu tiên tháng. Trong những quán cà phê sân vườn hay trong một góc nhỏ của công viên, những lồng gà cảnh được sắp xếp ngay ngắn nhưng luôn làm rộn rã cả một không gian lớn bởi nhiều người hiếu kỳ đến xem. Đây là cơ hội để các chủ gà được thoả mãn niềm đam mê khi giới thiệu với đông đảo người xem xuất xứ, đặc điểm của những chú gà kiểng này. Người xem được tận mắt ôm ấp, vuốt ve và chụp ảnh cùng những chú gà sặc sỡ. Đó là niềm vui của chủ gà, đồng thời cũng là cơ hội để các thành viên câu lạc bộ gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, lai tạo ra nhiều màu sắc cho những chú gà “hậu duệ” sau này được đẹp và theo ý muốn của mình. Điều rất ngạc nhiên là CLB Gà cảnh Đông Hà đã xây dựng một fanpage với hàng chục ngàn thành viên tham gia nhằm giúp các thành viên theo dõi cách chăm sóc gà, biết thêm hoạt động về loại hình này trên phạm vi cả nước, có dịp giao lưu học hỏi với người cùng niềm đam mê, đồng thời tổ chức nội dung, hình thức các cuộc thi nhỏ trong phạm vi nội bộ…vào dịp lễ, tết hay các ngày hội. Các thành viên của câu lạc bộ còn tổ chức cuộc thi bình chọn gà tre đẹp, bán đấu giá các chú gà được mến mộ để lấy tiền làm quỹ khen thưởng gây dựng phong trào, hướng tới tham gia vào các hoạt động từ thiện – xã hội.
Vì gà cảnh nổi bật nhờ bộ lông nên không thể thường xuyên thả rông gà được mà cần phải nhốt và chăm sóc đặc biệt, càng không thể cho gà đá nhau. Do vậy những ai có sở thích đá gà hay những trò đỏ đen thì không thể tiếp cận được thú vui tao nhã này. Anh Nguyễn Đức Thông, thành viên CLB Gà cảnh ở thị trấn Gio Linh cho biết, nhiều người bạn của anh trước đây thường nuôi gà đá, có nhiều người đã tan gia bại sản với thú chơi này. Tuy nhiên, khi biết đến giống gà cảnh, nhiều người đã chuyển sang chăm sóc và sở hữu được nhiều chú gà đẹp. Mọi người đến với thú vui này không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, thành phố hay nông thôn, chỉ cần chung niềm đam mê và một khoảng không gian nhỏ là có thể nuôi được một vài chú gà đẹp.
Khởi Nghiệp Từ Nuôi Gà Lai Chọi
Vốn tính năng động và ham học hỏi, ngay từ khi còn là sinh viên, anh Nguyễn Ngọc Xuân (ở thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã ấp ủ ước mơ làm kinh tế bằng mô hình chăn nuôi ngay tại địa phương của mình.
Sau khi ra trường, anh Xuân mạnh dạn mua một số giống gà về nuôi thử tại gia đình. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đàn gà bị chết gần hết. Dù hơi bi quan, chán nản nhưng anh không bỏ cuộc. Anh tìm đến một số người đang nuôi gà để học hỏi kinh nghiệm, chủ động liên hệ các chuyên gia khuyến nông, tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi để tích lũy kiến thức.
Đầu năm 2017, anh Xuân quyết định vay mượn từ bạn bè và anh em trong gia đình thuê đất mở trang trại nuôi gà lai chọi. May mắn đã đến khi anh đã liên hệ được với Công ty CJ Vina Agri Việt Nam để được hỗ trợ về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ anh biết cách chăm sóc, phòng và điều trị bệnh đúng cách nên đàn gà ít dịch bệnh, lớn nhanh. Đến nay, trang trại của anh Xuân có hơn 6.000 con gà thịt, mỗi năm xuất 6 – 7 lứa; với giá thị trường dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, anh có lãi từ 200 – 250 triệu đồng mỗi năm.
Anh Xuân kiểm tra trọng lượng và chất lượng của gà nuôi theo định kỳ.
Nói về kinh nghiệm nuôi gà lai chọi, anh Xuân chia sẻ: “Gà lai chọi là giống gà sinh trưởng, phát triển, thích nghi được với mọi thời tiết. Loại gà này dễ nuôi, phù hợp với chăn nuôi tại hộ gia đình hoặc trang trại. Để thành công trong nuôi loại gà này đòi hỏi người nuôi phải chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chăm sóc đúng kỹ thuật, chuồng trại phải luôn sạch sẽ, thoáng mát, đồng thời phải thực hiện tốt khâu phòng và trị bệnh cho đàn gà”.
Bên cạnh nguồn thức ăn chính từ công ty CJ Vina, anh còn tận dụng mua các phụ phẩm sẵn có ở địa phương để làm thức ăn bổ sung cho đàn gà như: cám gạo, bột bắp từ các nhà máy xay xát nông sản, mua rau xanh ở các vườn trồng rau lân cận nhằm bổ sung khoáng chất và vitamin cho đàn gà, nhờ vậy thịt gà rắn chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Không chỉ bỏ hàng cho các đầu mối mua gà số lượng lớn, anh Xuân còn mạnh dạn thuê một gian hàng gần Trường Đại học Tây Nguyên để bán các sản phẩm chế biến từ thịt gà mang tên “Gata fc”. Trung bình mỗi ngày, quán gà rán của anh bán được khoảng hơn 100 phần ăn, cho thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng mỗi tháng. Việc mở quán ăn không chỉ giúp anh tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra mà còn tạo việc làm cho một số sinh viên làm thêm.
Quán gà rán mang tên “Gata fc” của anh Xuân.
Sắp tới anh Xuân dự định phối hợp với công ty CJ Vina mở rộng quy mô chăn nuôi và hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, con giống và thức ăn cho một số hộ trong vùng muốn chăn nuôi gà lai chọi theo mô hình của anh; đồng thời mở rộng chuỗi quán gà rán trên địa bàn thành phố để ngày càng nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm của trang trại mình. Nói về mô hình nuôi gà lai chọi của anh Nguyễn Ngọc Xuân, ông Trương Công Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kao nhận xét: “Anh Xuân là một trong những tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của xã. Việc anh mạnh dạn xây dựng mô hình nuôi gà lai chọi đã thể hiện sự dám nghĩ, dám làm, qua đó khích lệ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đầu tư khởi nghiệp để phát triển kinh tế gia đình”.
Hà Văn
Bạn đang xem bài viết Khởi Nghiệp Từ Thú Chơi Gà Cảnh trên website Ruybangxanh.org. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!