TTH – Sở hữu bộ lông màu ánh kim, óng mượt, chân và mặt đỏ thắm… gà lôi lam mào trắng (GLLMT) không chỉ có giá trị thẩm mỹ, thương mại mà còn rất quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và thế giới.
Buồn, vui!
Mấy chục năm gắn bó với công tác bảo tồn thiên nhiên, chưa có điều gì khiến ông Lê Văn Hướng, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (BTTNPĐ) cảm thấy thú vị và nhiều cảm xúc như việc bảo tồn GLLMT. Cứ mỗi lần nghe ở đâu có dấu hiệu xuất hiện GLLMT là ông mất ăn, mất ngủ, vừa mừng lại vừa lo.
Hai con GLLMT (một trống, một mái) trước khi trả về môi trường tự nhiên
“Nhiều đêm thao thức, trằn trọc, trông trời mau sáng để vào rừng tìm kiếm GLLMT. Vợ thường bảo tôi đi “mò kim đáy bể”. Biết là vậy, nhưng vẫn cứ theo đuổi việc tìm kiếm, băng rừng lội suối hết ngày này đến ngày khác. Có những lúc hy vọng le lói khi dấu vết cho thấy GLLMT vẫn còn sinh tồn. Tôi cùng anh em kiểm lâm phát hiện dấu vết, lông, tiếng kêu và cả tiếng gáy của chúng tại một số bụi rậm… Nhiều lần đến các bản làng, gặp ai cũng đưa hình ảnh ra hỏi, có thấy con vật này không? Rồi truyền thông đến với người dân, nếu phát hiện thì báo cho chúng tôi. Cứ mỗi lần nghe chuông điện thoại reo lại có cảm giác ai đó sẽ báo cho biết đã tìm thấy GLLMT”, ông Hướng tâm sự.
“Có lẽ, không bao giờ tôi quên cái ngày mang hai cảm xúc buồn, vui lẫn lộn khi phát hiện cặp GLLMT tại khu vực rừng khe Lấu, xã Phong Mỹ (Phong Điền) cách đây vừa tròn 20 năm. Vui là vì gà quý này vẫn tồn tại, nhưng rất buồn là khi phát hiện chúng trong điều kiện mắc bẫy, bị thương nặng. Tôi cùng anh em kiểm lâm vận động người dân đưa về nuôi nhốt, chữa trị vết thương, nhưng chỉ vài ngày sau, cả hai con đều chết trong sự tiếc nuối của những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên trong nước và thế giới”, ông Hướng nhớ lại.
Một con GLLMT (gà mái) được người dân giao cho kiểm lâm thả về rừng
Sự tiếc nuối và nỗi lo không ít, nhưng niềm vui cũng nhiều. Cách đó không lâu, ông Nguyễn Thu, người dân xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) trong khi vào rừng thu lượm củi khô tại vùng quy hoạch Khu BTTNPĐ đã phát hiện ba con GLLMT (hai trống, một mái) bị mắc bẫy và 5 quả trứng. Sau khi phát hiện loài “gà lạ”, ông Thu báo với chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm. Các cá thể gà quý hiếm này sau đó được cán bộ kiểm lâm cứu chữa, thả về rừng thành công trong điều kiện sức khỏe tốt.
Ông Lê Văn Hướng kể, sau mấy năm vắng bóng, tưởng chừng GLLMT có thể đã tuyệt chủng thì bất ngờ một người dân ở thôn Hòa Bắc, xã Phong Mỹ đặt bẫy được hai con “gà lạ” vào năm 1998, tại khu rừng phía bắc huyện Phong Điền; đến năm 2009 lại phát hiện loại gà này xuất hiện ở khu rừng phía bắc Hải Vân. Theo mô tả của người dân, kích thước gà dài hơn hai gang tay, nhiều đặc điểm khác lạ so với các loài gà thông thường. Mào ở đỉnh đầu gà trống màu trắng, với mút lông đen, lông màu xanh lam thẫm óng mượt. Lông cánh có màu xanh ánh kim, cuối lông có vằn lục nhạt. Mắt gà đỏ nâu, da mặt đỏ thẫm. Gà mái không có mào, lông màu nâu, vân đen không rõ ràng, mắt xanh nâu, mỏ đen sừng, chân đỏ tía… Các cá thể gà trên được người dân giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cứu chữa thành công, sau đó gửi sang Vương quốc Bỉ xét nghiệm ADN và xác định đây là cặp GLLMT.
Còn sinh tồn…
Giám đốc Khu BTTNPĐ Đặng Vũ Trụ tỏ ra trăn trở, nhưng cũng rất lạc quan trong công tác bảo tồn GLLMT. “Vào năm 1994, tại hội thảo về chim họ trĩ thế giới được tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học và giới chuyên môn cho rằng, GLLMT đã tuyệt chủng. Sau đó một năm, cũng tại một hội thảo về chim trĩ đặc hữu tổ chức tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, các chuyên gia cũng khẳng định loài động vật quý hiếm này đã không còn… Sự xuất hiện trở lại của GLLMT vào năm 1996 thắp sáng hy vọng đối với giới bảo tồn, nhà khoa học trong việc nghiên cứu về tầm quan trọng của loài gà quý này đối với sự đa dạng sinh học”, ông Trụ chia sẻ.
Nhận diện GLLMT
Chính sự phát hiện loài gà quý này là điều kiện để UBND tỉnh quyết định thành lập Khu BTTNPĐ vào năm 2002 với diện tích gần 42 ngàn ha, gồm 43 tiểu khu. Nhiệm vụ của khu bảo tồn không chỉ nghiên cứu, bảo tồn GLLMT mà còn bảo tồn cả hệ động, thực vật quý hiếm, nguy cơ đe dọa do nạn săn bắt trái phép. Công tác bảo tồn GLLMT lúc này được quan tâm nhiều hơn, bằng nhiều biện pháp, như truyền thông đến với người dân các biện pháp nhận biết, phát hiện, bảo tồn; giám sát thông qua các cuộc tuần tra rừng, bẫy ảnh. Các cuộc khảo sát, thực địa tại những nơi các thợ săn đặt bẫy gà trước đó, cũng như theo dấu vết, tập tính sống của nó, các nhóm nghiên cứu khẳng định GLLMT vẫn còn tồn tại, phát triển tại Khu BTTNPĐ.
Ông Đặng Vũ Trụ cho biết, qua các nghiên cứu, khảo sát của Khu BTTNPĐ, cũng như Trường đại học Nông lâm Huế cho thấy, từ năm 2005 đến nay chưa thấy sự xuất hiện trở lại của GLLMT. Nhưng tại các cuộc khảo sát, hầu hết thợ săn, những người thường vào rừng, khi được hỏi đều cho biết nhiều lần nhìn thấy GLLMT, cũng như dấu vết của nó, nhưng số lượng cá thể rất ít. Đến năm 2008, giới nghiên cứu, ngành kiểm lâm tỉnh lại một lần nữa thắp lên hy vọng mới khi tại khu vực rừng phía bắc Hải Vân, thợ săn bắt được một con GLLMT. Giới nghiên cứu khẳng định, trên thế giới, quần thể GLLMT chỉ duy nhất còn ở Khu BTTNPĐ, bắc Hải Vân và Khu BTTN Đăkrông (Quảng Trị).
Hội thi truyền thông về bảo tồn GLLMT
Tìm hiểu từ người dân Phong Mỹ, tại Khu BTTNPĐ, cũng như bắc Hải Vân, loài gà quý hiếm này được xác định phân bố ở những vùng thấp, có độ cao dưới 400m. Môi trường sống thích hợp của chúng là các khu rừng ẩm, thường xanh thứ sinh và nguyên sinh, những nơi có tán rừng mây song, tre nứa nhỏ và nhiều cọ trên các thung lũng ven suối, sườn đồi thấp. Nguồn thức ăn của GLLMT chủ yếu là các loại hạt nhỏ, hạt mây, côn trùng… “Môi trường thích hợp, nguồn thức ăn dồi dào, tin rằng, GLLMT vẫn sinh sôi tại nhiều khu rừng ở phía tây Phong Điền, cũng như ở Thừa Thiên Huế”, ông Trụ tự tin.
Cùng với tuần tra, giám sát, thông qua người dân, Khu BTTNPĐ đang tiến hành đặt hơn 40 cái bẫy ảnh nhằm nỗ lực tìm kiếm, ghi nhận về sự xuất hiện của GLLMT. Tại Khu BTTNPĐ hiện có nhiều loài gà, như gà lôi lam đuôi trắng, gà lôi hồng tía, gà lôi trắng, gà lôi vằn, gà lôi tía, gà so Trung bộ; nhưng GLLMT thuộc loài chim trĩ đặc hữu quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Bài: Hải Triều – Ảnh: Khu BTTNPĐ